Những phiền toái và đau đớn mà bệnh trĩ gây ra có lẽ chỉ có những người gặp phải mới có thể cảm nhận được hết. Mỗi lần đi đại tiện khó khăn, đau rát khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Bài viết này chúng tôi sẽ thông tin đến bạn các vấn đề về bệnh trĩ, đặc biệt là nguyên nhân và dấu hiệu bệnh trĩ.
1. Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh trĩ
Bệnh trĩ là bệnh do hiện tượng các tĩnh mạch ở ống hậu môn co giãn quá mức gây ra. Khi phân quá khô cứng, người bệnh cố sức rặn khiến các tĩnh mạch bị tổn thương, giãn rộng, phình to và sưng. Các tĩnh mạch bị tổn thương kéo dài, ngày càng nặng và tạo thành búi trĩ trong ống hậu môn.
Ăn uống thiếu khoa học là nguyên nhân gây bệnh trĩ
1.1. Nguyên nhân gây bệnh trĩ
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trĩ, trong đó có các nguyên nhân sau:
– Ăn uống thiếu khoa học: Việc thường xuyên bỏ bữa, ăn không đúng bữa không chỉ khiến dạ dày bị ảnh hưởng mà còn khiến nhu động ruột, hệ tiêu hoá thay đổi, dẫn đến tình trạng táo bón. Người ăn nhiều chất béo, đường, đạm mà không bổ sung chất xơ dẫn đến phân cứng, khó khăn khi đi đại tiện.
– Nhịn đi đại tiện: Nhiều người do công việc bận rộn khiến không có thời gian để đi đại tiện hoặc do thói quen nhịn đại tiện đã lâu. Việc dồn nén khiến phân ngày càng cứng, tác động mạnh đến các tĩnh mạch khu vực hậu môn.
– Phụ nữ mang thai: Trong quá trình mang thai, nhất là ở những tháng cuối thai kỳ, thai nhi lớn dần đã chèn ép đại tràng gây ra tình trạng táo bón. Khi sinh nở, phụ nữ phải cố rặn hết sức khiến cho các mạch máu bị giãn khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
– Sử dụng rượu bia, chất kích thích: Những người thường xuyên sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiêu hoá.
– Ít vận động: Việc đứng hay ngồi quá lâu, không vận động khiến cho khí huyết khó lưu thông, quá trình bài tiết kém, lâu dần sẽ dẫn đến bệnh trĩ.
– Tâm lý căng thẳng quá mức: Khi tâm lý không thoải mái, stress quá độ, mệt mỏi cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiêu hoá và bài tiết dẫn đến táo bón, lâu ngày sẽ hình thành búi trĩ.
1.2. Dấu hiệu bệnh trĩ
Dấu hiệu bị trĩ cũng dễ nhận biết, do đó bạn cần có biện pháp phòng ngừa và điều trị khi có những dấu hiệu của bệnh trĩ này:
Táo bón là một trong những dấu hiệu bệnh trĩ
– Táo bón: Đây là hiện tượng dễ nhận biết nhất của bệnh trĩ. Người bệnh thường thấy khó khăn trong quá trình đi đại tiện bởi những cục phân rắn, khó đào thải ra ngoài. Nếu để tình trạng này kéo dài chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ sau này.
– Đại tiện ra máu: Khi đi đại tiện nếu thấy có lẫn máu ở trong phân hoặc trên giấy vệ sinh, có thể máu tươi hoặc máu sẫm màu.
– Đau rát khi đi đại tiện: Vùng hậu môn cảm thấy đau rát, khó chịu mỗi khi đi đại tiện do phân rắn gây tổn thương các tĩnh mạch ở hậu môn.
– Hậu môn chảy dịch, ẩm ướt: Hậu môn chảy dịch nhầy, gây ra tình trạng ẩm ướt, mùi hôi, thỉnh thoảng đi kèm với đau rát. Đây là tình trạng ngứa ngáy do vi khuẩn gây ra, để lâu sẽ hình thành búi trĩ.
– Sa búi trĩ: Đây là hiện tượng người bệnh sẽ thấy các búi thịt thừa lòi ra bên ngoài hậu môn. Khi tình trạng này xuất hiện tức là bệnh đã ở mức độ nặng cần phải điều trị kịp thời nếu không sẽ xảy ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
2. Phân loại và các cấp độ bệnh trĩ
Nhận biết được bản thân mắc loại bệnh trĩ nào và đang ở cấp độ nào, sẽ dễ dàng hơn trong quá trình phòng ngừa và điều trị bệnh.
2.1. Phân loại bệnh trĩ
Bệnh trĩ được phân ra làm 3 loại chính, chủ yếu được phân theo vị trí hình thành của búi trĩ:
– Trĩ nội: Là tình trạng các búi trĩ được hình thành ở trong ống hậu môn. Người bệnh không thể nhìn thấy búi trĩ lòi ra ngoài, tuy nhiên khi đi đại tiện sẽ cảm thấy đau đớn và có thể chảy máu.
– Trĩ ngoại: Trĩ ngoại là các búi trĩ hình thành ở ngay gần miệng ống hậu môn. Khi phình to chúng sa ra ngoài, người bệnh có thể quan sát thấy cục thịt thừa thò ra ngoài hậu môn. Trĩ ngoại có thể quan sát rõ nhất khi đi đại tiện.
– Trĩ hỗn hợp: Đây là tên gọi riêng của những trường hợp bị mắc cả 2 loại trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ hỗn hợp khá phức tạp nên việc điều trị cũng mất thời gian hơn nhiều.
Bệnh trĩ không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh mà còn có nguy cơ ra các bệnh nguy hiểm như viêm loét hậu môn, viêm nhiễm hậu môn, ung thư trực tràng, chất lượng chuyện chăn gối của các cặp vợ chồng…
2.2. Các cấp độ bệnh trĩ
Bệnh trĩ nội được chia ra 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng:
Bệnh trĩ được chia thành 4 cấp độ
– Bệnh trĩ cấp độ 1: Búi trĩ mới hình thành chưa gây ra quá nhiều đau đớn và khó chịu. Phần lớn người bệnh có thể nhận biết được khi đi đại tiện ra máu hoặc vướng cộm ở hậu môn.
– Bệnh trĩ cấp độ 2: Búi trĩ lúc này đã phát triển lớn hơn với kích thích bằng hạt đậu, dễ bị sa ra ngoài mỗi khi đi đại tiện nhưng có thể tự co lên được. Bên cạnh đó, kèm theo các triệu chứng đi ngoài ra máu, đau rát và ngứa ngáy khu vực hậu môn.
– Bệnh trĩ cấp độ 3: Ở cấp độ này, búi trĩ bị sa ra ngoài hậu môn khi đi đại tiện và cần dùng tay để đẩy vào bên trong hậu môn. Do búi trĩ phát triển lớn hơn nên khiến hiệu tượng chảy máu và đau rát hậu môn diễn ra thường xuyên hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người bệnh.
– Bệnh trĩ cấp độ 4: Đây là giai đoạn cuối của bệnh trĩ, búi trĩ đã phát triển với kích thước lớn nằm ngoằn ngoèo bên ngoài hậu môn. Tình trạng này gây cộm vướng, khó chịu và khiến phân có thể còn sót lại sau khi đại tiện. Ngoài ra, máu cũng chảy nhiều hơn, hậu môn tiết nhiều dịch nhầy.
Việc tìm hiểu nguyên nhân và dấu hiệu bệnh trĩ để phòng tránh và xử lý kịp thời chưa bao giờ là dư thừa, hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn đọc.