Triệu chứng đi ngoài ra máu là một tình trạng xảy ra ở đường tiêu hoá. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xuất hiện thường xuyên sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ một số thông tin liên quan đến bệnh lý này.
1. Đi ngoài ra máu là bệnh gì?
Đi ngoài ra máu là hiện tượng khi đi đại tiện có lẫn máu ở trong phân, máu có thể chảy thành giọt, thành tia hoặc dính trên giấy vệ sinh. Lượng máu nhiều hay ít phụ thuộc vào tình trạng bệnh cũng như nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Nếu phát hiện ra mình bị đi ngoài ra máu tươi, người bệnh không nên chủ quan mà cần phải lưu ý để có biện pháp điều trị kịp thời. Bởi đây có thể là biểu hiện của các chứng bệnh nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của người bệnh.
2. Nguyên nhân đi ngoài ra máu
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đi cầu ra máu tươi, có thể kể đến một số nguyên nhân sau:
2.1. Đi ngoài ra máu do bệnh trĩ
Trĩ là bệnh đang ngày càng phổ biến, xuất hiện do tình trạng phình giãn tĩnh mạch quá mức ở vùng hậu môn khiến vùng đó dễ dàng bị chảy máu mỗi lần đi đại tiện.
Nếu ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ thấy ít máu tươi dính trên giấy vệ sinh, không lẫn vào phân và thỉnh thoảng mới xuất hiện. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cảm thấy đau rát và khó khăn trong việc đi đại tiện.
Ở mức độ nặng hơn, người bệnh sẽ thấy hiện tượng máu chảy thành tia hoặc giọt với tần suất nhiều lần. Khi đó, cơ thể người bệnh có thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng như: thiếu máu, vàng da, mệt mỏi, chóng mặt, sức khỏe suy giảm… nếu bị mất máu quá nhiều.
Bệnh trĩ tuy không đe dọa đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt của người bệnh.
2.2. Do táo bón
Một nguyên nhân không thể kể tới khi bị đi cầu ra máu đó là táo bón. Bởi khi táo bón, phân vón thành các cục lớn khô cứng, khiến quá trình đi đại tiện trở nên khó khăn hơn. Người bị táo bón thường cố rặn mạnh, từ đó gây nứt kẽ hậu môn, tổn thương niêm mạc hậu môn và bị chảy máu. Đa số những người bị táo bón thường ra máu khi đi đại tiện.
2.3. Do nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng ra máu khi đi ngoài. Chứng bệnh này rất nguy hiểm vì có thể gây loét và nhiễm khuẩn vùng hậu môn. Khi đi đại tiện, người bệnh phải rặn mạnh khiến hậu môn bị rách, sưng đau và chảy máu thành giọt.
2.4. Do Polyp trực tràng
Polyp trực tràng là bệnh có triệu chứng ra máu khi đi ngoài do phần niêm mạc trực tràng tăng trưởng nhanh và hình thành các khối u lành tính. Nếu polyp trực tràng không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ biến chứng thành bệnh ung thư ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
2.5. Do viêm đại trực tràng
Tình trạng viêm đại trực tràng là bộ phận trực tràng và đại tràng bị viêm, làm cho các vết loét lan rộng lên phía trên khiến người bệnh đi đại tiện ra máu tươi. Trong chất thải của người bệnh thường xuất hiện dịch nhầy, mủ khiến bệnh nhân bị sốt, thiếu máu, đau bụng, giảm cân…
3. Triệu chứng đi ngoài ra máu
Để xác định được chứng ra máu khi đi ngoài là bệnh gì, bác sĩ cần dựa vào các xét nghiệm để chẩn đoán. Ở giai đoạn đầu, do lượng máu chảy ít nên người bệnh không thể quan sát bằng mắt thường, đến khi lượng máu chảy nhiều thì lúc đó các chứng bệnh đã tiến triển nặng. Lúc này, người bệnh sẽ được chỉ định thăm khám bằng các biện pháp như: Nội soi, siêu âm, chụp khung đại tràng, chụp lớp cắt cộng hưởng từ…
3.1. Kéo dài hơn 2 tuần
Nếu tình trạng đại tiện ra máu kéo dài hơn 2 tuần và không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3.2. Cơ thể mệt mỏi, sức khỏe suy giảm
Nếu bị đi cầu ra máu mà không có dấu hiệu hồi phục, cơ thể trở nên mệt mỏi, không có năng lượng, không muốn vận động thì đây là dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo tình trạng bệnh đã nghiêm trọng, cần được điều trị ngay.
3.3. Sụt cân không rõ nguyên nhân
Nếu cân nặng của người bệnh sụt giảm nhanh trong thời gian ngắn mà không rõ nguyên nhân, cần đi khám kịp thời bởi đây có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh đã chuyển biến phức tạp.
3.4. Sốt cao, buồn nôn
Nếu người bệnh có dấu hiệu sốt kèm theo cảm giác buồn nôn, người bệnh cần lưu ý tìm đến bác sĩ để được tư vấn. Bởi đây là một trong những dấu hiệu nguy hiểm của người bị ra máu khi đi đại tiện.
3.5. Sờ thấy cục nổi ở vùng bụng
Đối với trường hợp bị đi đại tiện ra máu, nếu có biểu hiện bụng to bất thường kèm những cục khối nổi lên ở vùng bụng thì việc cần làm ngay lúc này là đến bệnh viện, bởi điều đó cho thấy rằng cơ thể của bạn đang gặp vấn đề nguy cấp.
Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết sẽ giúp người bệnh hiểu hơn về triệu chứng đi ngoài ra máu và tìm được cách chữa đi ngoài ra máu thích hợp, hiệu quả. Khi nhận thấy dấu hiệu bệnh đã trở nặng, nên đến các cơ sở y tế uy tín, tránh chủ quan gây hậu quả đáng tiếc.