Trĩ là căn bệnh ở vùng hậu môn – trực tràng, nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy bệnh trĩ có lây không? Nguyên nhân và cách phòng ngừa thế nào? Chúng tôi sẽ giải đáp qua bài viết này.
1. Bệnh trĩ có lây không?
Bệnh trĩ xảy ra khi niêm mạc trực tràng – hậu môn bị phình giãn quá mức. Theo thời gian, máu bị ứ đọng tại tĩnh mạch tạo thành búi trĩ. Bệnh lý này thường xảy ra do các nguyên nhân gây áp lực vùng hậu môn như táo bón, ngồi nhiều, ít vận động, thường xuyên nhịn đại tiện, thừa cân béo phì…
Ở giai đoạn đầu, bệnh trĩ chỉ gây nóng rát, ngứa ngáy, khó chịu ở hậu môn và thấy xuất hiện máu trên giấy vệ sinh hoặc lẫn trong phân. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển xấu và gây ra các biến chứng như viêm nhiễm, tắc mạch búi trĩ, sa búi trĩ… Bệnh trĩ gây ra nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, công việc và tâm lý. Do đó, có nhiều người thắc mắc bệnh trĩ có lây không.
Bệnh trĩ có lây không? Câu trả lời là “Không”
Theo các chuyên gia, trĩ là bệnh phổ biến nhưng không phải là một bệnh lây lan. Trĩ là sự giãn rộng của các tĩnh mạch ở hậu môn, bệnh không do một tác nhân vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… nào gây ra. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là do thói quen sinh hoạt không tốt, do tuổi tác, thay đổi ở phụ nữ mang thai… nên không có tính lây lan. Dù vậy, nếu sống trong cùng gia đình có nhiều người cùng mắc trĩ, thì đó là do có chung thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống giống nhau.
2. Hiểu rõ nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, bệnh trĩ chủ yếu do thói quen sinh hoạt của người bệnh. Những thói quen dưới đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ.
– Chế độ ăn uống thiếu khoa học
Người có chế độ ăn uống thiếu chất xơ, uống ít nước dễ dẫn đến tình trạng táo bón. Táo bón chính là nguyên nhân phổ biến gây ra trĩ. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều thực phẩm cay nóng, khó tiêu, đồ chiên rán dầu mỡ cũng khiến người bệnh gặp vấn đề trong quá trình tiêu hoá.
– Ít vận động
Hầu hết những người mắc bệnh trĩ thuốc nhóm những người ít vận động, ngồi lâu một tư thế như nhân viên văn phòng, lái xe, những người làm công việc khuân vác nặng… Ngoài ra, đại tiện sai tư thế, ngồi lâu khi đại tiện, dùng điện thoại, đọc sách khi đại tiện… cũng là những nguyên nhân trực tiếp hình thành búi trĩ.
Lười vận động có nguy cơ dẫn đến bệnh trĩ rất cao
– Vệ sinh hậu môn không sạch sẽ
Việc vệ sinh không sạch sẽ khiến cho các vi khuẩn và các chất độc hại tích tụ, gây ra tình trạng viêm nhiễm, là điều kiện thuận lợi để búi trĩ phát triển.
– Thói quen đi đại tiện
Rặn quá mạnh khi đi đại tiện nhằm đẩy chất thải ra ngoài, cũng là yếu tố gây áp lực vùng hậu môn, dẫn tới tình trạng căng dần búi trĩ quá mức.
3. Cách phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả
Trĩ nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì rất khó điều trị dứt điểm. Mặc dù không quá nguy hiểm cho sức khỏe, nhưng các triệu chứng của bệnh tác động tiêu cực đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, bạn nên chủ động phòng ngừa bệnh với các biện pháp đơn giản sau:
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Để giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ, bạn nên xây dựng chế độ ăn khoa học, để giảm thiểu các chứng rối loạn tiêu hoá như táo bón, mót rặn…
+ Nên giảm lượng chất béo, đạm trong bữa ăn hàng ngày, thay vào đó nên tăng cường nhóm thực phẩm giàu chất xơ, khoáng chất và vitamin như rau xanh, củ, trái cây tươi…
+ Uống ít nhất 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày, để duy trì lượng chất lỏng bên trong ruột, giúp phân mềm và dễ dàng đào thải ra ngoài.
+ Nếu thường xuyên bị táo bón, bạn nên bổ sung nhiều các thực phẩm giúp nhuận tràng như rau mồng tơi, rau dền, đậu bắp, cá hồi, bơ, khoai lang…
+ Hạn chế sử dụng các đồ uống dễ gây táo bón như nước ngọt có ga, cà phê, rượu bia và các loại đồ uống chứa cồn khác.
+ Sử dụng các loại thực phẩm tươi sạch, không dùng thực phẩm đóng gói sẵn.
+ Ăn chậm, nhai kỹ, ăn vừa đủ, không ăn no quá mức gây áp lực lên hệ thống tiêu hoá, dẫn đến bệnh trĩ.
Phòng ngừa bệnh trĩ bằng cách ăn các thực phẩm giúp nhuận tràng
– Thay đổi những thói quen xấu
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, người bệnh trĩ cũng cần lưu ý đến chế độ sinh hoạt, để hạn chế bệnh trĩ và các vấn đề về tiêu hoá:
+ Không nên hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích. Các thói quen này nhanh chóng gây tổn thương mạch máu, khiến tĩnh mạch có nguy cơ phình giãn.
+ Tránh lao động quá nặng hoặc các tư thế gây áp lực lên tĩnh mạch trực tràng.
+ Không nên ngồi quá lâu một chỗ, nếu đặc thù công việc phải ngồi thì khoảng 1 tiếng đứng lên đi lại khoảng 5 – 10 phút.
+ Tập thói quen đi đại tiện theo khung giờ cố định và đi vệ sinh ngay đi có nhu cầu. Nhịn đại tiện làm cho phân khô cứng, khó đi đại tiện dẫn đến chứng táo bón và gây tổn thương tĩnh mạch.
+ Thường xuyên vận động để ổn định cân nặng, hạn chế tích tụ máu ở tĩnh mạch và điều hoà nhu động ruột.
Trên đây là những thông tin giải đáp về vấn đề bệnh trĩ có lây không, cũng như nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh trĩ. Hy vọng bạn có thể hiểu hơn về bệnh và chủ động trong việc ngăn ngừa bệnh trĩ.