Táo bón khi mang thai là vấn đề mà nhiều mẹ bầu gặp phải, biểu hiện của bệnh thường không quá nghiêm trọng nên mẹ bầu thường chủ quan bỏ qua. Tìm hiểu kỹ bạn sẽ thấy nhiều nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé, nếu tình trạng này kéo dài và chưa có biện pháp điều trị và phòng tránh.
1. Táo bón khi mang thai có nguy hiểm không?
Táo bón khi mang thai có thể chưa đến mức nguy hiểm đến tính mạng nhưng có tác động cực kỳ xấu tới chất lượng cuộc sống và có thể là nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Táo bón khi mang thai có tác động xấu đến thai nhi
Bị táo bón trong quá trình mang thai là một trong những nguyên nhân làm tăng khả năng bị bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng… Cảm giác rất khó chịu, đau rát hậu môn, đại tiện ra máu, máu ở trong phân… Kèm theo đó là những cảm giác buồn nôn, nôn, giảm cảm giác thèm ăn, stress, căng thẳng… Tất cả ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của mẹ và thai nhi.
Ngoài ra, bạn cần nắm được một số vấn đề sau để phòng tránh những hậu quả khó lường từ việc táo bón khi mang thai:
– Khi bị táo bón, mọi người thường dùng lực để rặn đưa chất thải ra ngoài, tuy nhiên đây là một hành động vô cùng nguy hiểm vì rất dễ gây đẻ non hoặc sảy thai.
– Nếu trong ruột tồn đọng quá nhiều các chất độc có trong phân như phenol, amoniac hay indol… dễ gây bị hấp thụ ngược.
– Tâm lý của mẹ ảnh hưởng nhiều vì bị áp lực, căng thẳng, cáu gắt… cũng ảnh hưởng thai nhi trong bụng.
– Táo bón dẫn đến ra máu, sẽ bị thiếu máu, chán ăn… Do đó, thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và giảm sức đề kháng của con.
2. Nguyên nhân gây táo bón khi mang thai
Mẹ bầu bị táo bón trong quá trình mang thai phải hết sức cẩn thận, vì nếu điều trị sau có thể dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể. Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây táo bón khi mang thai để có cách phòng tránh và chữa trị hợp lý:
– Hormone progesterone gia tăng khi mang thai khiến quá trình tiêu hoá chậm hơn.
– Tử cung phát triển, chèn ép các tĩnh mạch và dây thần kinh ở vùng hậu môn. Ngoài ra, thai nhi cũng ngày càng lớn chiếm chỗ trong ổ bụng, chèn ép hệ tiêu hoá, làm thức ăn di chuyển chậm hơn dẫn đến tình trạng táo bón.
– Mẹ bầu uống ít nước, lười vận động khi ở cuối thai kỳ cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón khi mang thai.
– Rất nhiều mẹ bầu bổ sung canxi và sắt giúp phát triển xương cho thai nhi, tuy nhiên đây cũng là 2 yếu tố vi lượng gây ra tình trạng táo bón.
– Những mẹ bầu lạm dụng thuốc nhuận tràng với liều lượng cao.
– Thói quen nhịn đi vệ sinh cũng gây ra rối loạn tiêu hoá, táo bón.
Bổ sung nhiều sắt khiến mẹ bầu bị táo bón
3. Phòng tránh và hỗ trợ điều trị táo bón khi mang thai
Táo bón không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân mà còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, việc phòng tránh táo bón ở phụ nữ mang thai là rất cần thiết. Sau đây là một số biện pháp giúp mẹ bầu phòng tránh và hỗ trợ điều trị chứng táo bón trong thai kỳ.
– Bổ sung nước mỗi ngày: Nước có tác dụng trong việc nhuận tràng, làm mềm phân và chống phù nề trong thai kỳ, cân bằng nhiệt độ cơ thể giúp thai nhi hấp thụ dưỡng chất tốt hơn. Vậy nên mẹ bầu hãy tích cực uống nước và uống đủ nước từ 2 lít – 3 lít mỗi ngày. Có thể là nước lọc, nước canh, nước ép trái cây…
– Bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn: Ăn nhiều chất xơ giúp cho phụ nữ mang thai có một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh. Trong quá trình bài tiết, chất xơ sẽ hút nước giúp tạo khối phân, làm mềm phân và giúp chất thải trong cơ thể ra ngoài một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, chất xơ còn làm cho các chất cặn bã, chất độc trong cơ thể được thanh lọc nhanh chóng.
– Vận động: Việc thường xuyên vận động nhẹ nhàng sẽ giúp cho mẹ bầu ngăn ngừa táo bón hiệu quả. Ngoài đi bộ mẹ có thể tham khảo thêm các bài tập yoga nhẹ nhàng cho phụ nữ mang thai.
Vận động thường xuyên để ngừa táo bón khi mang thai
– Tuyệt đối không nhịn vệ sinh: Khi mẹ cảm thấy có nhu cầu đi vệ sinh thì cần giải quyết ngay, nếu nhịn sẽ gây ra tình trạng táo bón và trĩ. Hãy tập cho mình thói quen đi vệ sinh vào một khung giờ cố định trong ngày. Thời gian đầu sẽ khó khăn nhưng lâu dần sẽ quen, từ đó nguy cơ táo bón cũng giảm đi. Ngoài ra, mẹ nên chú ý đến tư thế đi vệ sinh đúng cách để không tốn sức rặn và giảm áp lực lên khu vực hậu môn.
– Thay đổi cách bổ sung sắt: Nhiều mẹ bầu chỉ cần bổ sung sắt 1 – 2 ngày là thấy xuất hiện tình trạng táo bón và nóng trong người. Để hạn chế vấn đề này, mẹ hãy chọn cho mình các loại sắt có nguồn gốc hữu cơ như fumarat, gluconat… Các loại sắt này giúp cơ thể hấp thu tốt hơn, ít gây kích ứng và không gây táo bón.
Nếu gặp tình trạng táo bón khi mang thai, mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc để điều trị táo bón. Trong quá trình mang thai, sử dụng thuốc không những ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ, mà còn có tác động không tốt đến thai nhi. Vậy nên để đảm bảo an toàn, nếu cần sử dụng thuốc mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.